Dưỡng sinh trong mùa đông

"Ba tháng mùa đông là mùa mà vạn vật đều tiềm phục bế tàng"

(Cỏ cây rụng lá, côn trùng ẩn lánh hết, khí đất bế tàng, dương khí ẩn nấp)
Cho nên nước đóng băng, đất nứt nẻ, đừng làm nhiễu động đến dương khí (Dương khí lắng xuống, nước đóng băng, đất nứt nẻ, cho nên phải giữ gìn dương khí cho kín đáo, không nên nhiễu động đến nó).

Mọi người cần phải ngủ sớm mà dậy muộn, đợi mặt trời mọc hãy dậy, mặt trời lặn hãy ngủ, làm cho ý chí an tĩnh như cách mai phục bế tàng, tuồng như có tình riêng không thể nói cho người biết, tuồng như gặp được sự gì sung sướng bí mật (Không nên đi bừa bãi ra ngoài mà cảm phải khí lạnh).

Tránh chỗ lạnh, gìn giữ sự ấm áp, không để da dẻ sơ hở, đổ mồ hôi làm ảnh hưởng đến dương khí bế tàng. Đấy mới là phép dưỡng sinh thích ứng với cái lẽ “bế tàng” của mùa đông, nếu như làm trái cái lẽ ấy thì tổn thận khí, đến mùa xuân năm tới sẽ phát sinh bệnh nuy, bệnh quyết làm cho người bị giảm sút cái năng lực thích ứng với sinh khí mùa xuân

(Tránh chỗ lạnh, gìn giữ sự ấm áp nghĩa là nên ở chỗ kín gió. Mùa đông dương khí ở phần trong xương, sâu bọ ẩn nấp, người biết giữ mình thì ở trong nhà. Không để da dẻ sơ hở nghĩa là không nên làm cho đổ mồ hôi, nếu đổ nhiều mồ hôi thì dương khí phát tiết mà hàn tà xâm phạm vào. Làm trái nghĩa là làm theo thời tiết mùa hè. Thận tượng thủy, chủ mùa đông, theo khí hậu mùa hè thì tổn thương thận khí, mùa xuân thì mộc vượng thủy suy cho nên bệnh phát sinh về mùa xuân. Trái với thời tiết mùa đông thì tổn thương thận cho nên không đủ sức để thích ứng với thời tiết mùa xuân)

(Nội kinh)