Ngũ tạng và Ngũ du huyệt

Hoàng Đế hỏi:

Ta nghe nói lúc châm chích căn cứ  về tình trạng bệnh biến của ngũ tạng mà châm vào Tỉnh, Huỳnh, Du, Kinh Hợp đó là ngũ du huyệt, xin ngươi nói cho cái lý ở trong đó?

Kỳ Bá trả lời:

Con người có ngũ tạng, mỗi tạng của ngũ tạng có riêng sự biến hóa của ngũ vị, ngũ hành, ngũ âm, ngũ thời, ngũ sắc tương ứng.

Trong ngũ tạng, mỗi một tạng lại có riêng Ngũ du huyệt Tỉnh, Huỳnh, Du, Kinh, Hợp để ứng ngũ biến, ngũ tạng. Tổng cộng có 25 du huyệt, phân biệt tương ứng với ngũ thời.

Can thuộc Mộc, là Thiếu dương trong âm, cho nên là dương tạng, về sắc là màu xanh, về thời tiết là mùa xuân, về ngày là Giáp Ất về thanh là Giác về vị là chua.

Tâm thuộc Hỏa, là Thái dương trong dương, cho nên gọi là dương tạng, về sắc là đỏ, về thời tiết là mùa hạ, về ngày là Bính Đinh, về âm là Trưng, về vị là đắng.


Tỳ thuộc Thổ, là Chí âm trong âm, cho nên gọi là âm tạng, về sắc là màu vàng, về thời tiết là trưởng hạ, về ngày là Mậu Kỷ, về âm là cung, về vị là ngọt.

Phế thuộc Kim, là Thiếu âm trong dương, cho nên gọi là âm tạng, về sắc là màu trắng, về thời tiết là mùa thu, về ngày là Canh Tân, về âm là thương, về vị là cay.

Thận thuộc Thủy, là Thái âm trong âm, cho nên gọi là âm tạng, về sắc là màu đen, về thời tiết là mùa đông, về ngày là Nhâm Quý, về âm là Vũ, về vị là mặn, đó là ngũ biến.

Ngũ tạng chủ ở mùa đông, nên trường hợp bệnh ở tạng, ắt lấy huyệt tỉnh của ngũ tạng.

Sắc ứng với xuân, nên trường hợp bệnh ở tại sắc, ắt phải lấy Huỳnh huyệt của ngũ tạng.

Thời tiết chủ mùa hạ, nên trường hợp bệnh tại thời thì lúc nhẹ lúc nặng, ắt phải lấy du huyệt của ngũ tạng.

Âm chủ ở trưởng hạ (tháng 6). Phàm trường hợp bệnh ở âm, ắt phải lấy kinh huyệt của ngũ tạng.

Vị chủ ở mùa thu, nên trường hợp mắc bệnh ở vị và ăn uống không điều độ, ắt phải lấy hợp huyệt của ngũ tạng, đó là tình trạng ngũ biến phân biệt của ngũ du.

Hoàng Đế hỏi rằng:

Nguyên huyệt của lục phủ là thế nào khi phối hợp thành lục du?

Kỳ Bá trả lời:

Nguyên huyệt của lục phủ, nó không tương ứng với ngũ thời mà lấy Kinh huyệt thế Nguyên huyệt, nhập vào trong huyệt ngũ du, như vậy lục phủ có riêng sáu du, huyệt tỉnh, hùynh, nguyên, kinh, hợp. Sáu lần sáu là 36 du huyệt. Nguyên huyệt cũng nằm trong đó, để ứng với số của nó.

Hoàng Đế hỏi:

Cái gì gọi là tạng chủ đông, thời chủ hạ, âm chủ trưởng hạ, vị chủ thu, sắc chủ xuân?

Kỳ Bá trả lời:

Trường hợp bệnh ở ngũ tạng thì lấy Tỉnh huyệt tương ứng của nó để chữa trị, trường hợp bệnh biến hiển lộ ở sắc mặt thì lấy huỳnh huyệt tương ứng của nó để chữa trị.

Trường hợp bệnh tình lúc nặng lúc nhẹ thì lấy Du huyệt tương ứng của nó để chữa trị.

Trường hợp bệnh biến ảnh hưởng đến tiếng nói lấy Kinh huyệt tương ứng của nó để chữa trị.

Trường hợp kinh mạch thịnh đầy mà có ứ huyết và bệnh ở Vị phủ hoặc trường hợp bệnh do ăn uống không điều độ. Lấy hợp huyệt tương ứng của nó để chữa trị, cho nên nói Vị chủ hợp.

Đây chứng là đặc trưng khác nhau mà biểu hiện do sự biến hóa của ngũ tạng và phương pháp châm chích tương ứng về ngũ du.